Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

Trên không ừ, chẳng hữ, dưới cố tình… đong đưa

Quy hoạch thí điểm một "khu đèn đỏ" lại được đề xuất tại hội thảo phòng chống mại dâm do Sở LĐ-TB&XH TPHCM tổ chức cuối tháng 1. Là đề xuất thí điểm thôi, tức lại dẹp cũng được, nhưng chưa chính thức công nhận mại dâm như một “nghề”.

Thế cũng đã là một bước tiến rồi. Dư luận lần này nghe chừng có vẻ “êm” hơn, phần lớn thuận tình, có rụt rè e ngại, nhưng chí ít không thấy ý kiến phản ứng quyết liệt.

Mỗi chuyện “cho” hay cấm thôi, dằn vặt cũng vài chục năm rồi. “Cho” thì băn khoăn về đạo đức, ngại buôn bán, “giải phóng phụ nữ”. Cấm thì không triệt để được, cứ “ra quân” hoài rồi lại phải  kiểm điểm nhau, “soi” chỉ tiêu, hiệu quả công tác.

Vận động, giáo dục, phối kết hợp, đấu tranh… đủ cả biện pháp, nhưng phong trào lúc lên lúc xuống, đè xuống được một tý nó lại bùng lên. Không phải tại chểnh mảng, chây ỳ, mà tại … cố tình cưỡng lại quy luật.

Nó vốn là một nghề sớm nhất, cũng góp phần giải quyết được vài “mâu thuẫn bức bối” của xã hội. Cấm mấy cũng khó vì không giải được tại sao nó có trên đời.

Người thì lý luận rằng nó là bạn đồng hành của chế độ một vợ một chồng. Người thì chứng minh rằng ở các nước một ông nhiều bà hay mẫu hệ, một bà nhiều ông, nạn này giảm tối đa.

Nhiều thứ, nhưng có một lập luận đáng chú ý: Mại dâm là hệ quả tất yếu của chênh lệch giàu nghèo. 

Ai cũng như nhau, đủ hết vật chất, tinh thần, chả phải mua gì bán gì. Mua cũng không ai thèm bán, bán cũng không ai thèm mua, không có nhu cầu, khỏi lôi thôi.

Lúc đó, “quan hệ” cứ “quan”, chỉ là “tình thương mến thương” bình đẳng chứ không phải giàu nghèo xin-cho, mua-bán, không “thương mại hoá” tình cảm…

Bao giờ cho đến lúc đó? Chỉ biết còn lâu, lúc này đang “qua đò”, tức “quá độ”, tức chưa sang tới bờ thì cứ phải nhìn rõ: dưới sông có cả đỉa lẫn cá sấu, quyết liệt diệt con này lại còn con khác…

Trên con thuyền chung qua đò ấy, còn đủ thứ khác biệt. Bác xích lô, anh xe kéo, cô kỹ nữ… mong muốn “được bóc lột” để kiếm sống. Họ bỏ sức, thuận mua vừa bán. Không tổ chức lại, ắt bị ma-cô, giả ma-cô bóc lột thật, ăn bám trên lao động của họ.

Hơn 10% nước đã hợp pháp hóa nghề cổ nhất này. 41 nước không cấm thành luật, chỉ cấm các loại hình cò, ma-cô, có cả vài nước “cởi ra” rồi lại buộc lại cho phù hợp từng giai đoạn…

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, tuỳ góc nhìn. Giàu như Đức cho hành nghề công khai không ưu tiên mục tiêu “thu ngân sách”, nhưng vài nước khác lại nhìn khác: già nghề thế mà chẳng lời, thu một đồng lại phải chi vài đồng…

Tập trung, quyết liệt chống nạn gái chưa tới đâu lại toé ra nạn trai, nạn gái-trai, trai-gái… Cũng giống như có dấy lên phong trào “nói không” với đám cưới đồng tính cũng chẳng cản được, đôi khi còn “hoành tráng”, làm “mất thi đua” của cả “khu phố văn hoá”.

Không ừ cũng chẳng hữ, cứ lập lờ là tạo kẽ hở, mặc trên bảo, dưới vẫn cố tình… đong đưa kiếm chác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét