“Trăm người đọc quy định này thì cả trăm đều phản đối”. Đó
là một ý kiến trên một báo mạng, bàn về quy định phải sang tên đổi
chủ xe, bảo đảm xe phải “chánh chủ”.
Rõ là chánh chủ xịn, mà chú công an vẫn chú chảnh
bảo chưa được là chánh chủ.
Chánh chủ là cái chi chi mà sao ồn rứa hè? Ông xã
tui nè, chánh chủ của tui đàng hoàng, theo cái luật lệ ai cũng biết,
mà ổng vẫn tự cho mượn và được mượn hoài. Riết rồi cũng rứa, chả buồn hỏi đăng ký, máy
móc vẫn đâu ra đó, chạy ro ro…
Nhưng cái xe vô tri vô giác là phải trói gô nó vào
mình. Cứ phải là có quyền chính chủ, còn cho mượn là quyền phụ
chủ, phải đưa giấy tờ và cái gì chứng minh là người nhà, cho mượn…
Cái gì là cái gì? Thì cái gì đó, miễn là chứng
thực phụ chủ có quen với chính chủ chứ không phải bỗng dưng chôm
chỉa. Đến cây kim sợi chỉ cũng phân minh sở hữu, huống hồ cả cái xe.
Mua bán lòng vòng, chánh chủ chạy mất, có chuyện
các cơ quan chức năng phải đi kiếm có khi cả chục phụ chủ mà chưa
lòi chánh chủ, mất thời gian, công sức…
Quản lý, tăng cường quản lý, xiết chặt quản lý nghe
quen quen. Nó xuất phát từ gốc chung: tư duy quản lý và xử phạt.
Đừng tưởng mới nghĩ ra, quy định đã có hai chục năm
hơn, nay chỉ tăng giá, phạt theo thời giá thôi.
Và các lực lượng quản lý được tăng chức năng, giao
thêm nhiệm vụ, sẵn sàng thổi còi khi có dấu hiệu nghi vấn không
chính chủ…
Mức sống tuy đã cao, nhưng mua bán xe, nhất là xe máy
cùi bắp, không chịu đăng ký chính chủ vẫn còn là hành vi của một bộ
phận không nhỏ dân chúng. Giảm chi phí, ngại thủ tục, mất cảnh giác,
xuê xoa dễ dãi… là các hiện tượng gây khó khăn cho quản lý, tiếp tay
cho các hành vi coi thường pháp luật.
Các cơ quan chức năng đang ra sức đơn giản hoá thủ
tục, thời gian, mức phí để phục vụ chu đáo nhu cầu sang tên đổi chủ
của dân chúng. Không sang tên thì phạt. Mượn xe thì được.
Ảnh: TT |
Kẽ hở có vẻ đã lộ hàng: nếu bị các lực lượng
chức năng hỏi han khi xe chưa sang tên, có thể khai là mượn? Có chứng
minh, có cà-vẹt, bảo đảm không phải xe ăn cắp.
Chỉ cần thêm tý thủ tục mang theo giấy tờ? Làm sao
chứng minh là người ngay, chỉ mượn xe?
Mai mốt, CMND sẽ có tên cha mẹ rất tiện, con cái đi
học bằng xe cha mẹ được chứng minh rõ ràng. Thật đồng bộ và có tầm
nhìn xa, vừa quản lý xã hội, vừa quản lý xe và nhiều thứ khác chưa
biết hết…
Tại sao phải chánh chủ? Một là bảo vệ tài sản, hai
là truy tìm nếu gây án. Các chánh chủ, ngoài việc được làm chủ chánh, còn phải thấy cho bằng được việc hợp tác chặt chẽ với cơ quan
chức năng, tạo điều kiện dễ dàng cho các lực lượng bảo vệ, truy
tìm.
Chánh chủ là mối quan hệ tương đối và tạm thời.
Trước giải phóng ở miền Bắc, người đi xe đạp là một bộ phận không
nhỏ, nhưng chắc vẫn ít hơn người đi bộ. Xe đạp phải đăng ký chánh
chủ, cà số khung, đeo biển số.
Đang co biện pháp chặt chẽ bảo vệ tài sản và sẵn
sàng truy bắt tội phạm, bỗng dưng bỏ biển đăng ký xe đạp. Các thế
lực cướp bóc, tội phạm chuyển sang xe máy.
Mai mốt, các xe máy còi, scooter cùi bắp chả đáng
đổi liều gây án, có thể chúng sẽ chuyển sang xe hơi, đuổi cướp như
phim hình sự…
Một bộ phận không nhỏ các nước đã bỏ đăng ký xe
máy dưới 100 cm3. Các xe scooter chỉ dành cho các bà len lỏi trong
chợ, chạy điện, gắn giỏ đựng hàng… Chỉ có motor hoành tráng của
mấy tay chơi mới phải gắn số má.
Xứ ta nổi tiếng sáng tạo, năng động áp dụng kinh
nghiệm hay của các nước phù hợp với điều kiện cụ thể.
Chuyện bỏ đăng ký xe nhỏ này, hay là làm từ từ, có
lộ trình như một bước quá độ: cho xe nhỏ tự nguyện. Thích thì đăng
ký, như mua bảo hiểm tự nguyện. Loanh quanh đi chợ, đi học, tự lo… Chỉ
xe lớn mới buộc mua bảo hiểm, đeo bảng số.
Hết thời kỳ quá độ, tuỳ tình hình sẽ sáng tạo
thêm, có thể đi trước thời đại, bỏ hết bảng số xe máy như từng bỏ
bảng số xe đạp…
Chánh chủ là người, xe cộ có hoành tráng cỡ nào cùng lắm cũng chỉ
là phụ chủ. Khoa học quản lý xã hội phải là chánh khoa, các thứ
râu ria chỉ là cái khoa … phụ.
Trần Giang Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét