Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

Ngành y làm gì để xả nạn phong bì?


Lần đầu tiên bà Bộ trưởng khẳng định trước Quốc hội: vấn đề y đức sẽ được cải thiện, đầu tiên là cái nạn phong bì.

 “…Nếu phát hiện bất cứ điều dưỡng, y tá, bác sĩ, cán bộ nào nhận phong bì thì cho nghỉ việc luôn”, bà Bộ trưởng nói kiên quyết, dứt khoát.

Nhiệm vụ nặng nề này được giao cho giám đốc các bệnh viện. Làm thế nào thì làm, giao tiếp xuống cho ai thì giao, không bắt được thì thôi, bắt được là đuổi…

Mặt khác, bà kêu gọi quần chúng dấy lên phong trào kiên quyết không đưa phong bì, và tham gia phát hiện theo cách ai có máy ảnh thì chụp, ai có máy video thì quay, ai không có máy ảnh, máy quay thì ghi tên người sai phạm và… gửi cho bà.


Biện pháp có cả hai phía rồi nhé, phối kết hợp, thanh kiểm tra, cả phía bệnh viện lẫn phía gia đình, xã hội.

Dân thở ra một hơi. Người ngành y lại hít vào một tý. Lương còm, làm căng, quá tải, chật chội, tiền tiêu chuẩn cho một ca mổ chỉ hơn chút đỉnh so với vá săm, ruột xe. Không nhận phong bì thì ăn gì? Cạp thuốc ra mà ăn à?

Cán bộ y tế thiếu, nhất là các tuyến dưới, nhận phong bì bị đuổi thì còn mấy ai để làm việc? Còn bao nhiêu thì còn, tinh thần cứ phải là quán triệt: không chạy, không xin, cũng không thoái thác.

Ai cho nhiêu thì cho, và xong việc rồi mới được “cám ơn”, mà cũng chỉ “hoa lá cành” thôi nhé, kiểu muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn người nhà khỏi bệnh phải thương lấy thầy thuốc.

Phong bì nay bị nâng quan điểm coi như tệ nạn và bị đấu tố như cuộc chiến thiện- ác và chưa thể dứt một sớm một chiều.

Tại sao giữa Hà Nội, cách nhau chỉ một bức tường, bên bệnh viện Việt - Pháp không “phong bì” chả có gì phải xây với chống, còn bên Bạch Mai luôn có phong trào sôi nổi, thanh, kiểm tra với các bằng, giấy khen…

Tiền, rốt cuộc là tiền. Một bên tiền to thì thôi “bo”, bên tiền nhỏ phải tăng “bo” cho đủ.

Thời Pháp thuộc nghe nói chữa bệnh cũng đắt, nhưng có nhà thương bố thí. Có tiền thì vào viện bỏ tiền “bố thí” cho thầy thuốc để được chữa. Không tiền thì vào nhà thương bố thí để được bố thí chữa chạy.

Cơ chế này nay cũng có ở nhiều nước. Có cả viện chuyên khoa, có cả viện tình thương, điều dưỡng miễn phí.

Chuyện nào ra chuyện nấy. Người Việt có tiền nay hơi tý ra nước ngoài chữa bệnh. Nghe đồn, bác sĩ cũng rứa thôi, nhưng lịch sự, khỏi bo. Bo một lần to rồi, được mọi dịch vụ chu đáo.

Các bệnh viện quốc tế ở ta cũng vậy, theo tiêu chuẩn khách sạn, sạch sẽ, thoáng mát, gọi thưa, bảo dạ. Divu tô hô có hạng, có sao.

Các bệnh viện “nội” dơ dáy, chật chội, ngột ngạt, giường nằm vài người, hành lang la liệt, gầm giường cũng la liệt…

Bác sĩ nội được mời sang khám chữa ở bệnh viện quốc tế rút ra kết luận: “Thịt” thì bệnh viện ngoại xơi hết, còn phần xương nhả cho bệnh viện nội. Ca nào khó, vời bác sĩ nội hoặc “cấp cứu” sang bệnh viện nội.

Bệnh viện ngoại vẫn thơm, cả thơm tho về tiếng. Và cái danh tiếng lừng lẫy nhất được lưu trong lòng người là đã tính đủ rồi, không thèm phong bì.

Thế thì có lẽ nên tách bạch, có cả hai loại hình. Vẫn là nội, vẫn quốc doanh đóng vai trò chủ đạo, nhưng có loại bệnh viện “tính đúng tính đủ”, được đầu tư, chuyên môn cao, sánh vai các bệnh viện năm châu.

Và có cả loại nhà thương tình thương, viện điều dưỡng, từ thiện, được xã hội hoá, rộng khắp, với sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, tôn giáo, từ thiện…

Cả hai loại hình này đều “không có nhu cầu” phong bì. Loại một, như bệnh viện nước ngoài, tính đủ hết rồi, khỏi kiếm vặt cho nó đàng hoàng tư cách.

Loại bệnh viện tình thương, từ thiện vốn dĩ chỉ “cho” chứ có lấy của ai bao giờ.

Thế thôi, nạn phong bì tự nhiên hết đất diễn mà dân lại dễ hiểu, dễ chọn, dễ so. Tính ưu việt chả tự khen cũng tự nhiên nổi bật.

Trần Giang Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét