Thứ Năm, 4 tháng 10, 2012

Giải thưởng quốc tế Trần Nhân Tông về Hòa giải và yêu thương “đi vào cuộc sống”, vừa trao giải lần đầu tiên

Hai người đoạt giải này đầu tiên đều là người Myanmar, Tổng thống Thein Sein và đối thủ của ông là bà Aung San Suu Kyi, theo trannhantongprize.org

Lễ trao giải diễn ra ngày 21-9tại Harvard University, Boston, Mỹ. Không thấy thưởng tiền, nhưng chắc cũng không chỉ là huy chương với giấy khen?

The Tran Nhan Tong International Prize for Reconciliation and Compassion được lập ra tại Mỹ năm ngoái. Có cả Viện Trần Nhân Tông, tổ chức nghiên cứu, hội thảo, sự kiện, hội đồng quốc tế, đề cử, cố vấn xét tuyển…
Hai người đoạt giải từng đứng hai chiến tuyến, từng coi nhau như "các thế lực thù địch". Nay hòa giải, cùng chung tay xây dựng đất nước, đổi mới xã hội. Ra ngoài họ không nói xấu nhau nữa, cùng vận động quốc tế giúp giúp dân, giúp nước.

Những người góp tiền lập giải Trần Nhân Tông, đến giờ này, gồm hơn 60 vị, toàn tên Việt, địa chỉ ở Việt Nam, chả mấy ai là đại gia hay có máu mặt.

Số tiền gom được gần 500 triệu VND và hơn 1000 USD.

Hòa giải là hành động song phương, nên sự khác biệt giữa giải Trần Nhân Tông và giải Nobel ở chỗ thường trao cho hai hoặc nhiều người.

Giải góp phần xây dựng tình hữu nghị, ngăn chặn bạo lực, thúc đẩy hòa giải, hòa bình và tình yêu thương.

Trần Nhân Tông là vua Việt thời nhà Trần, thế kỷ 13-14, người trực tiếp hai lần đánh tan quân Nguyên, rồi từ bỏ ngai vàng, lên núi lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, được tôn làm Phật Hoàng Việt Nam.

Nghe nói sau chiến thắng, ông cho đốt hết bằng chứng của những người từng đi theo địch, xoá bỏ hận thù, hoà giải dân tộc...

Người Việt tiếp truyền thống ấy, hoan hô cả tướng tài lẫn kẻ trở về. Sau kháng chiến chống Pháp, thơ Bút Tre được truyền tụng:

"Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên
Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về
Hoan hô anh Tạ Đình Đề
Trước đi theo giặc nay về với ta..."

Trần Nhân Tông để lại những giá trị cao cả: Trí tuệ, lòng nhân ái và sự hòa giải, thể hiện qua chính sách hòa giải dân tộc, an dân và định nhân tâm sâu sắc, xây dựng nền văn hóa.

Nền tảng của phái Trúc Lâm là không buộc tín đồ lìa bỏ cuộc sống trần tục, không ép xác khổ hạnh, mà đề cao nhân nghĩa, nhân đạo...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét