Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

Phật hoàng Trần Nhân Tông

VN muốn quốc tế tôn vinh Trần Nhân Tông


 Trần Nhân Tông được đánh giá là một trong những vị vua có vị trí hàng đầu trong lịch sử Việt Nam
Việt Nam đã bắt đầu xúc tiến các công việc để vận động cộng đồng quốc tế công nhận nhân vật lịch sử Trần Nhân Tông của nước này là ‘danh nhân văn hóa thế giới’.

Thông tấn xã Việt Nam cho biết chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã có buổi làm việc với các học giả của Đại học Quốc gia Hà Nội hôm thứ Bảy ngày 18/8 để chuẩn bị hồ sơ gửi lên Tổ chức văn học, khoa học và giáo dục của Liên Hiệp Quốc Unesco.

Bên cạnh hồ sơ về Trần Nhân Tông, tỉnh này cũng sẽ đề nghị Unesco công nhận hai địa điểm trong tỉnh này là núi Yên Tử thuộc thành phố Uông Bí và Khu di tích nhà Trần tại huyện Đông Triều là ‘di sản văn hóa thế giới’.

Đánh giá

Hãng tin chính thức của Việt Nam cũng dẫn lời các học giả đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tập trung vào khía cạnh các tư tưởng Thiền học mà Trần Nhân Tông đã khai phá trong nỗ lực vận động Unesco vì đấy là ‘đóng góp cho tư tưởng của nhân loại’ của Trần Nhân Tông mà vẫn ‘mang đậm bản sắc dân tộc’.
Trao đổi với BBC, Giáo sư Sử học Lê Văn Lan đang sống ở Hà Nội, cho biết Việt Nam chỉ có một danh nhân văn hóa thế giới được Unesco công nhận là Nguyễn Trãi, nhà thơ, nhà chính trị, nhà văn hóa thời Lê.
Còn cố Chủ tịch Hồ Chí Minh mà chính quyền Việt Nam thường mô tả là ‘danh nhân văn hóa thế giới’ thì GS Lan cho là Unesco thừa nhận là ‘danh nhân thế giới ở cấp độ châu Á’ chứ không phải ở cấp độ toàn cầu.
Ngoài ra, Việt Nam cũng có một danh nhân văn hóa thế giới khác nhưng không phải do Unesco mà là Hội đồng hòa bình thế giới công nhận. Đó là Đại thi hào Nguyễn Du, tác giả của Truyện Kiều, ông Lan cho biết.
Ông đánh giá Trần Nhân Tông là một trong những ‘hoàng đế lớn nhất’ trong lịch sử chế độ phong kiến của Việt Nam. Thậm chí ông Lan còn đánh giá Trần Nhân Tông cao hơn các vị vua nổi tiếng khác của Việt Nam như Lý Thái Tổ, Lê Thái Tổ hay Lê Thánh Tông. 

"Về văn hóa thì Trần Nhân Tông hơn cả Lê Thái Tổ, còn về đạo đức nhân cách thì hơn Lê Thánh Tông." GS Sử học Lê Văn Lan
“Về văn hóa thì Trần Nhân Tông hơn cả Lê Thái Tổ, còn về đạo đức nhân cách thì hơn Lê Thánh Tông,” ông Lan nhận xét, “Còn Lý Thái Tổ chỉ có tầm vóc trong lịch sử nước nhà chứ không có giá trị nổi bật toàn cầu.”

Theo GS Lan thì Trần Nhân Tông có ba giá trị nổi bật toàn cầu theo như quy định của Unesco để được công nhận là danh nhân văn hóa thế giới.

Thứ nhất, Trần Nhân Tông là có sáng tạo đưa văn hóa Việt Nam vào trong Phật giáo với sự sáng lập Thiền phái Trúc Lâm – chi phái Phật giáo mang dấu ấn của Việt Nam.

Vườn tháp Yên Tử

Yên Tử, nơi ghi dấu ấn Trần Nhân Tông, đang được Việt Nam vận động trở thành 'Di sản văn hóa thế giới'
Thứ hai, ông còn là một nhà sáng tác và là tác giả của nhiều tác phẩm về Phật học cũng như nhiều bài thơ Thiền.

Thứ ba, ông đã lãnh đạo dân tộc Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông mà trong đó ông thể hiện tầm vóc ứng xử của mình.

GS Lan dẫn chứng với việc Trần Nhân Tông đã cởi chiến bào của ông để đắp lấy thủ cấp của Toa Đô, một viên tướng lớn của quân Nguyên Mông, trong trận chiến ở Tây Kết, và khen ngợi Toa Đô rằng: “Kẻ làm bầy tôi nên như thế này.”

Một dẫn chứng nữa mà GS Lan đưa ra là sau khi thắng giặc Nguyên-Mông, ông thường đi hòa lẫn với dân chúng chứ không sa vào cuộc sống hưởng lạc như các quý tộc khác.

“Trong thời bình thì có những người xung quanh chúng ta phục dịch, nhưng trong lúc chiến tranh thì chỉ thấy những người bình dân, nghèo khổ như thế này,” GS Lan nhắc lại lời nói nổi tiếng của Trần Nhân Tông.

Đức Vua-Phật Hoàng

Trong lịch sử và văn hóa Việt Nam, Trần Nhân Tông, vị vua thứ ba của nhà Trần, là một nhân vật đặc biệt vì có tầm quan trọng về lịch sử lẫn tâm linh.

Ông là người duy nhất được người dân tôn kính gọi là Đức Vua-Phật Hoàng.

Là người đứng đầu vương triều Trần trong giai đoạn đất nước bị giặc ngoại xâm đến từ phương Bắc, ông đã lãnh đạo dân tộc Việt Nam hai lần đánh đuổi quân xâm lược Nguyên-Mông vào các năm 1285 và 1287nên được người dân Việt Nam suy tôn là anh hùng dân tộc.

Bên cạnh đó, ông còn là vị giáo chủ khai sáng một dòng Thiền của Phật giáo Việt Nam với tên gọi Thiền phái Trúc Lâm. Do đó ông còn được Phật giáo đồ Việt Nam suy tôn là Phật hoàng.

Núi Yên Tử là nơi Trần Nhân Tông đã tìm đến để tu hành sau khi đã đánh tan giặc phương Bắc và nhường ngôi cho con. Hiện giờ nơi đây còn lưu giữ những dấu tích liên quan vị vua huyền thoại này, trong đó có tháp chứa xá lỵ của ông trong Vườn tháp.

Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời bà Vũ Thị Thu Thủy, phó chủ tịch Ủy ban tỉnh Quảng Ninh, cho biết tỉnh này ‘quyết tâm cao’ trong các hồ sơ đề nghị lên Unesco lần này.

BBC . 19:28 GMT - chủ nhật, 19 tháng 8, 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét