Hiếu, hỉ, sự kiện cả đời một lần có vẻ đang được các “divu
vanhoa” (dịch vụ văn hóa) tranh đua phục vụ “trên mức tình cảm”. Là các băng
nhóm ca nhạc tự phát trăm hoa đua nở trình những màn nức nở, cứ như đi hội diễn.
Đủ, từ đàn ca sáo nhị đến loăng quăng chát bùm bùm, vô
lum chát chúa. Như mốt, lâu rồi, các băng pê đê được vời múa hát cho người nằm
xuống. Có “thương hiệu” nhiệt tình, lăn xả cả cười lẫn khóc, múa may quay cuồng
mấy đêm ngày.
Xưa rồi, nay đến thời gái xịn không pha nhớt, mặc bikini,
múa bụng, ưỡn ngực, lắc uốn như múa cột. Ngoáy, hích, lâu lâu chạm vào quan cho…
mát mẻ làm thiên hạ trố cả mắt.
Hãi, “vô duyên dễ sợ”, nhưng cứ theo cái lý: Xưa tiễn cụ
có phường bát âm, là để cụ vui. Múa hát, cũng cũng là để cụ vui, tân thời phải
nhảy, ngoáy cụ mới cười… Khó tin mà vẫn có: ra cả nơi ngàn thu diễn “tươi mát”,
sống động âm dương, trên sao dưới vậy…
Ấy là hiếu. Hỉ còn vui nữa. Vui mà, quậy cho tới bến. Gia
chủ, dâu hiền rể thảo còn đang lóng ngóng cũng phải đỏ mặt. Oải vì phải đi dự hỉ
với các màn cắt bánh, rót rượu, chào hỏi… “Oải bã đậu” bị thưởng thức văn nghệ
văn gừng của các “divu”, gân cổ cò “tra tấn” các thể loại từ giật đùng đùng tới
ẻo lả tình xưa…
Các nhà “tổ chức sự kiện” bị cự, có khi còn dạy lại: “quê
bà cố”, mốt ở Nhật bây giờ còn làm đám cưới “nuy”, các nhân vật chính chả mặc
gì vẫn làm các thủ tục lễ nghĩa truyền thống, đủ tân cổ giao duyên… Kinh.
Hiếu, hỉ, được “mua vui” bằng các màn chỉ có trong “động”,
đang gieo mầm cho một lối quái đản, lạ lẫm. Cái cũ vẫn cũ hoài: giờ cao su, kéo
dài thê lương…
Cách nào, văn hóa nấy. Các cách lạ khiến nhiều người bĩu
môi: Cứ bảo tại sao các cụ xưa vẫn phán “ma chê, cưới trách”… Hủ, nhưng các trò
này đang “hóa” hủ hơn xưa?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét