Chuyển giới thường tình nhưng chuyện cậu Hiệp ở
Bình Phước chuyển thành cô giáo Trâm vui chẳng tày gang. Người đầu
tiên được các cơ quan nhà nước ra văn bản công nhận chuyển giới, bỗng nghe
sét đánh ngang tai: thu hồi, kỷ luật người ký, vì sai quy định…
Xin, được huyện cho, rồi tỉnh bác. Dưới cho trên bác
hay ngược lại cũng thường. Nhưng cái chuyện cho cũng “chả chết thằng
Tây nào” này bị tước lại, nghe “cũng làm sao ấy”.
Hẳn cái cậu-cô Hiệp-Trâm tức không phải tiếc tiền
sang Thái “làm lại cuộc đời” mà ức vì muốn sống đúng chính mình
chưa được, lại còn bị “đào lên lộn xuống”.
Thông cảm, luật chưa có, mới là xới lên thôi, còn
đang bàn… Sai thì sửa, ký sai thì kỷ luật, cho sai thì tước lại, xin
sai thì thu hồi… còn bà Mụ nặn sai thì ráng chịu.
Sống trung thực và thẳng thắn với chính mình cứ như
là khẩu hiệu kêu gọi đạo đức, phi vật thể, còn cái vật thể mà đẽo
gọt, thay hình đổi dạng là sai với “chính chủ”.
Người, một là một, hai là hai, “thế giới thứ ba”
luật chưa biết, chưa có. Luật phải nghiêm, nhất tề nghe theo. Nhưng luật,
cũng do con người làm ra, lại thường không theo kịp thực tiễn, cứ
phải theo đuôi.
Thế nhỡ, mai mốt có luật thì sao? Sáng đúng chiều
sai, ngày mai lại đúng, cũng thường tình.
Chuyện cậu Hiệp- cô Trâm nào phải chuyện riêng tư cô
cậu. Có vẻ cũng giống thân phận toà nhà to vật ở đường Pasteur, Sài
Gòn khoảng hai chục năm trước.
Thời ấy, mới mở cửa, nhà đầu tư nước ngoài lập hồ
sơ xin xây cao ốc. Các cơ quan chức năng thay mặt nhà nước, xăm soi từng
tý và cấp phép cho xây cao X tầng. Có giấy phép đỏ chót, nhà xây
xong bỗng nghe sét đánh ngang tai: lệnh “cắt ngọn”.
Lý do, cao thế, “phủ bóng” xuống cơ quan công quyền
gần đó. Cao hơn thì phải đứng ra xa, gần thế có mà “phủ bóng” tối
tăm.
“Lật lại hồ sơ”, điều tra… mọi thủ tục đều đúng. Có
sai chăng là cơ quan chức năng không lường được việc “phủ bóng”. Kiện
tụng lung tung, nhà đầu tư nước ngoài dỗi…
Cuối cùng, không đập, “cắt ngọn” nữa, còn cho xây
thêm cái… vương miện to đùng trên nóc và sơn màu sáng lẫn với da trời.
Cho nó nhọn, thanh thoát, đỡ “phủ bóng”.
Hai chục năm, bao công trình chung quanh lại được xây
hà rầm, vì hết tư duy sợ “phủ bóng”. Chủ trương, quy hoạch, kỹ thuật
là chuyện “nội bộ” của các cơ quan chức năng. Dân chỉ biết xin, được xem
xét, nếu xét được thì được cho. Cho rồi vẫn lấy lại, cũng lại là
chuyện của cơ quan chức năng.
Cho, lấy lại… là chuyện nhất thời. Có thể hai chục
năm sau dân vạn đại lại lấy chuyện cô-cậu này làm “thí dụ điển
hình” của tư duy thời nay, giống như chuyện “toà nhà phủ bóng” của
thời bắt đầu mở cửa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét