Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

"Mang thai hộ" và "đẻ thuê"

Khát con, đoạn trường "ai có qua cầu mới hay”. Đủ chuyện, tiền bạc, thuê mướn, trông chờ kỹ thuật, trần ai các công đoạn… Hạnh phúc giống nhau, chỉ có bất hạnh khác nhau, cắn răng tự mà cố.

Nhưng mang thai hộ chưa có luật, chỉ mới xới lên câu hỏi tại sao không? Còn nhiều tranh luận và còn đợi.
“Cho” thì khối chị em “khuyết tật” có cơ được “làm nhân tạo” đàng hoàng. Người đồng tính vừa được “nới”, l cho sống chung “như vợ chồng” cũng có thêm nẻo hạnh phúc.

Không “cho” vì sợ hệ luỵ, nên thực tiễn vẫn như thực tại, làm chui. Vì tình nhân đạo và cả những lý do khác, cửa luật vẫn có thể lách trơn tru.

Chợ con giống vẫn nhộn, giá vẫn hét, như sơn ăn từng mặt ma bắt từng người. Tại Sài Gòn, giá mang thai hộ được định 150 triệu đồng, cộng thêm lương 3,5 triệu đồng/tháng.

Như hợp đồng, ứng trước 1/3, trả hết khi nhận con... Thuận mua, vừa đẻ, không thì vác tiền ra nước ngoài mà làm. Ở “bển”, quy ra “có 400 triệu đồng việc này mới xong”.

Chưa có luật, “phạm” chẳng sao, lại còn công khai khoe. Em đẻ hộ chị, bà ngoại sinh cháu… khi chị, con… không thể “mang vác”.

“Mang thai hộ” có nơi có lúc bị “thương mại hoá”, thậm chí thành nghề “đẻ thuê”, có cả “yếu tố nước ngoài”, nên việc thảo luật đang tính “thêm quy định mở nhưng chặt chẽ”.

Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi lần này đứng trước thực tiễn và nhu cầu luật hóa việc mang thai hộ. “Cho phép mang thai hộ” đang được nghiên cứu và có vẻ chưa chấp nhận thương mại hoá kiểu “đẻ thuê”.

Thuận lúc này, nhưng rất có thể sẽ mau lạc hậu. Mới hơn chục năm, Luật HNGĐ năm 2000 chưa có “mang thai hộ” và Nghị định 12/2003/NĐ-CP cấm, nay đã phải xem xét thêm …

Thế nên, chả sợ mang tiếng “đẻ thuê”, miễn quản lý, tổ chức tốt ngay từ đầu. Nhiều nước cho đẻ thuê, có hẳn nghề chuyên, “làng nghề”, thu hút nhiều “máy đẻ” ngoại từ các nước, trong đó có cả phụ nữ Việt… Cũng là một biểu hiện “thị trường”, có cung có cầu, có kiểm soát.

Hiếm muộn, vô sinh không còn lạ, tỷ lệ cao và tăng nhanh. Cứ 10 đôi Việt, có một đôi phiền muộn việc này.
Đi khám, chữa… phải “viện phí”, thậm chí cao, huống hồ thuê một “nhà trọ” tốt chuẩn bị cho đứa trẻ chào đời.

Hệ luỵ, có khả năng, nhưng “được” nhiều, giải quyết được nhiều nhu cầu và làm an vui xã hội. "Mang thai hộ" nên "cho", chỉ cần tính sao cho khỏi “rối hậu cần” nếu "đẻ thuê".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét