Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

Có chỉ tiêu là có phấn đấu


Chỉ tiêu, thực hiện ở đâu, chứ áp dụng trong phạt vi phạm giao thong, trật tự đô thị, có vẻ rối.

Trên giao chỉ tiêu phạt, dưới lo ra sức thi đua phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch. Không chỉ có thành tích để báo công, còn có cả “ba lợi ích”.

Chỉ tiêu như pháp lệnh sản xuất, không đủ là không tròn, mất thi đua, danh hiệu, lại ảnh hưởng lương thưởng, thăng tiến… Làm sao hoàn thành, dưới tự mà lo, sáng tạo cho phù hợp với thực tiễn địa phương. Báo cáo luôn “đẹp sổ sách”, tăng đều…

Cứ như lời trần tình, chỉ tiêu không phải số tiền phạt, chỉ là “chỉ tiêu xử lý vụ việc cụ thể”.

Đua xe, đánh võng, lạng lách chạy như cướp phải trị là đúng. Nhưng vẫn thấy những khúc đường bị “bắn”, bị “thổi” rất “nhạy cảm”. Sai một ly có thể bị “vịn”, sợi tóc chẻ tư vẫn ra lỗi.  

Giả sử (là giả sử thôi), bỗng dưng dân trí lên cao, không ai vi phạm, lực lượng chức năng hẳn sẽ không hoàn thành chỉ tiêu. May, dân trí được báo còn thấp, nên chỉ tiêu, thí dụ như năm ngoái, ở mức 500 tỷ đồng.

Đừng quá lo chạy theo chỉ tiêu, vì nó vẫn điều chỉnh được. Nhắm chừng không hoàn thành, liệu mà xin “điều chỉnh”, để tạo điều kiện luôn hoành thành kế hoạch, xuất sắc báo cáo thành tích cuối năm.

Chỉ cần biết lo trình bày, xin, đợi xét, rồi hân hoan tổ chức đón nhận “chỉ tiêu điều chỉnh”.

Ấy là sản xuất kinh doanh, chứ ngành chức năng chuyên phạt vi phạm giao thông, trật tự công cộng đâu sản xuất kinh doanh gì, nên chỉ mong ngành này không hoàn thành chỉ tiêu, thất nghiệp… vì chẳng còn ai vi phạm.

Mong là mong thế. Không phạm thì thôi, phạm mới phạt, quyết liệt phạt cho bằng được, cho tâm phục khẩu phục. Rõ ràng, minh bạch thế, cần gì chỉ tiêu, và chỉ tiêu để làm gì?

Giảm vi phạm giao thông, mất trật tự đô thị… có nhiều công cụ, trong đó có phạt. Nhưng phạt không là công cụ duy nhất, phạt theo chỉ tiêu chưa chắc là một công cụ.

Có chỉ tiêu là có phấn đấu, dưới còn dễ “sáng tạo” để “hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu trên giao”? Trên bận nhiều, đôi khi “giao” mà chưa kịp “quản”, để dưới dễ “vượt rào”. Phê, tự phê, quan trọng là cần cải tiến quản lý.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét