Ra quân kiểm tra xú chiếng có vật thể lạ, mở chiến
dịch kiểm tra áo ngực chị em là tin làm dấy lên cả niềm vui lẫn nỗi
ngại ngần.
Là chuyện kiểm tra thị trường, cái áo con con,
“thượng nội y” bị kèm hàng lạ. Vui vì bảo vệ môi trường, ngại vì
chuyện ngại quá.
Ấy là việc cái áo con phục vụ chị em bỗng dưng “có
vấn đề”. Việc tưởng con mà không con, xiêm y bị cài dung dịch lạ, hạt
nhựa lạ cứ như bị bôi trơn, cài rệp. Sưng, tấy, ngứa… chỉ ngại nó
lại nhỡ bị làm sao thì hỏng hết bánh kẹo…
Hàng ngoại lạ đã đành, rồi lại phát hiện hàng nội
cũng lạ. Thu, kiểm tra… và chờ các nhà khoa học chụm đầu ngâm cứu
xem cái lạ là cái gì.
Có nguyên một bộ về khoa học, công nghệ đầy ắp các
nhà uyên bác, sẽ phanh phui, phán tốt hay chỉ để… tăng thêm sức nặng.
Trong lúc chờ đợi, phong trào nói không với của lạ
rục trịch dấy lên. Đám người đẹp, người mẫu thế mà khôn phết, từ
lâu đã đua mốt thả rông, lông bông cho nó khoẻ, lại thiên nhiên như yếm.
Ngày xưa các cụ thế cả, cứ yếm thôi, dừa mọc tự
do, mướp cũng tự do. Từ ngày thằng Tây vào các cô Kếu gái tân thời
mới đua nhau khai hoá văn minh xú chiếng.
Tiếng Tây, xú là dưới, chiên là giá, đỡ, nâng… để
nói về cái giá nâng đỡ nửa dưới núi đôi. Ở Hà Nội, phố Hàng Tơ
Lụa, một tiệm may áo quần được tái cơ cấu sản xuất, chuyển sang
chuyên trị may xú chiếng. May đo, vừa khít khịt chứ không phải đeo
lủng lẳng.
Nhưng chỉ đo các thứ phụ, còn cái mũ chụp quả núi
vẫn phải công nghiệp hoá. Ông Thư chủ tiệm này, vẽ ra miếng bìa, khuôn
thành mẫu áp vào cắt vải, xếp chồng lên nhau cho mấy cô lạch xạch “pích
kê”.
Suốt ngày mấy cô còm cõi đạp cái máy khâu Xanh-de
(singer), xâu chằng vá đụp vải vụn, tôn dày, tạo hình, tạo cứng cho cái
giá đỡ chụp kín cả trên lẫn dưới cho cứng cáp và nhọn hoắt như tơ.
Cải tiến nữa, ông cho may luôn miếng giấy xi măng quèo
queo giữa các lớp vải vụn. Ông biết tỏng các cô chả mấy khi giặt
loại áo này, mồ hôi thì cứ treo phơi cho hương đồng gió nội bay đi ít
nhiều.
Muối đọng lại trắng pheo, cứng queo, giấy xi măng
rách kẹt lơ phơ giữa các đường may, sắt lại…
Lại cải tiến nữa, áp dụng khoa học tiên tiến, vật
liệu hiện đại: mút. Các mũ mút được ông Thư chở về, xếp chồng vươn
lên trần cao. Đệm bằng mút, đỡ công pích-kê vải vụn, chỉ việc lồng cái
nóp mút vào hai lớp vải bọc.
Nhanh, tiện, đại tiện luôn, vì rất công nghiệp. Tăng
năng suất, chị em ở quê kháo nhau, nườm nượp xếp hàng cho mà đo.
Thời thế vật đổi sao dời, may đo xú chiếng sập khi
công nghệ phát triển như vũ bão. May đo vừa xấu vừa lâu, vừa bé hạt
thóc vừa lâu nhận hàng.
Ra chợ đầy hàng may sẵn, đúc sẵn, nhựa hoá vào tận
nội y. Hàng lạ ào về đổ cả đống trên tấm ny lông, cứ việc ướm, bóp
bóp thấy vừa tay là xỉa tiền.
Cái tiệm của ông Thư sập còn vì chuyện khác nữa.
Bà hoạn thư nhà ông một hôm ghé tiệm thấy tấm ri-đô cáu bẩn mọi khi
bỗng buông tuồng động đậy, lại còn kèm theo âm thanh lạ.
Xé vải màn, đôi mắt thánh của bà lạc xếch đi: ông nhà
đang “Cù Trọng Xoay” một cô nom nuột từng xăng-ti-mét, phơi cổ cười
khinh khích.
Một đời lcần mẫn, yêu nghề đến mấy, ông Thư cũng bị
buộc thôi giữ chức “cục trưởng cục đo đạc”. Nghề may đo xú chiếng của
ông lịm vào dĩ vãng.
Bẵng đi, nay công nghệ lại nhảy như sàn chứng khoán.
Những miếng bìa, miếng mút của ông Thư quê mùa rồi. Thời của ông cơ
giới hoá là pích-kê, áp mẫu là tự động hoá… Đỉnh cao phải là hoá
học hoá.
Dân làm nghề xưa choá và chịu: ông nội ông cũng chả
biết mấy của lạ ấy là gì. Có may xú chiếng thôi mà sao phải bôi
nước lạ, gắn hạt nhựa lạ? Đúng là hoá học hoá mới là đỉnh cao trí
tuệ.
Ra quân truy quét xú chiếng lạ được hoan hô, bắt hàng
độc hại, suy thoái đạo đức kinh doanh, bảo vệ hàng thật của quý.
Đây cũng là dịp quán triệt, nâng cao tinh thần không dùng
hàng lạ, tôn vinh yếm cổ truyền và xây dựng phong trào thả rông đậm
đà bản sắc.
Thế kỷ 12 ở ta, thời nhà Lý, yếm đào ra đời, làm ngoặt
một cái và dấy lên văn minh, e ấp nhúm nhím khoe sản vật từ cau, dừa,
tới mướp.
Không dùng của lạ còn vì có đủ bằng chứng lịch
sử: cái yếm ta có trước yếm Tàu tới 2 thế kỷ.
Bên ấy, mãi đến thời nhà Minh, thế kỷ 14, yếm mới được dùng,
gọi là dudou. Nhưng nó được làm bằng lụa, thêu thùa công phu, dành cho giới
quý-xờ- tộc như một thứ trang sức chứ không phải cái mặc thường ngày.
Chiếc xú chiếng gần giống ngày nay được cho là xuất
hiện năm 1913 tại Pháp, do bà Mary Phelps Jacob sáng chế. Tính theo giá
tiền ngày nay nó chừng 25.000 USD, dân chúng thà thả rông chứ không
chịu xót xa bỏ ngần ấy tiền.
Đầu tiên, nó được cho xuất hiện ở Hy Lạp, 1.400 năm
trước Công nguyên.
Và cuối cùng, năm 2009, tại Somalia, thế lực Hồi giáo
cực đoan lệnh sẽ bắn bỏ bà, cô nào dám mặc xú chiếng, coi đó là thứ đồ
phản nghịch, không tôn trọng niềm tin, nặng về lừa dối…
Nội tình thế, phức tạp phết. Nhưng ngoại tình phải
cho nó rõ: cái gì hại cho sức khoẻ thì kiên quyết và quyết liệt
bỏ.
Còn cái gì về đẹp đẽ cứ việc tuỳ hỉ theo mắt.
Phó cho áo ngực, yếm đào. Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai…
Trần Giang Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét