Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

Sao không làm kiểu PPP?

Công chức làm gì ở cơ quan? Cứ nhìn các quan văn đạo mạo cao mũ dài áo, hằng ngày cắp ô đi về, tưởng tượng họ cần mẫn, bận bịu trăm công nghìn việc.

Rồi một vụ tóe ra, gây choáng: thảo một cái thư cám ơn cho lãnh đạo ở Hà Nội, chả biết phải vắt óc nâng lên đặt xuống thế nào, mất 29 ngày mới trình lên.

Kinh, đúng là việc quan… Hóa ra vụ này là “một điển hình của sự ì ạch, thiếu trách nhiệm”. Và làm lộ ra sự cồng kềnh, quan liêu, rối rắm của bộ máy. Chí ít, cũng thấy đường đi của các “văn quan” gập ghềnh thế nào giữa các “biu-rô” của quan văn…



Thủ đô vừa bị tụt 15 bậc về chỉ số năng lực cạnh tranh, hẳn một phần do việc giải quyết các thủ tục chậm như rùa.

Đó là bệnh kinh niên, bị coi do lương thấp, công chức phải chân trong chân ngoài lại nhấp nhổm “dứt áo ra đi”. Người đông nhưng không rành nghề, cá mè một lứa như trong vườn trẻ đầy con cha cháu ông…

Bệnh biết, thuốc ai cũng phán được… biết rồi tặc lưỡi “khó quá”. Trên bảo, dưới không nghe, không làm được. 30% công chức lè phè, biết mà “đụng” được không?

Con người là quyết định, khẩu hiệu nghe đã quen. Nhiều người giỏi nghề, muốn làm bỗng chuyển sang chán chường. Nhiều kẻ khác lại muốn len vào, không ngán chạy chọt…

Đám “bất mãn” bĩu môi: chuyện chạy 100 triệu nhỏ như con thỏ. Cao hơn cũng chạy. Vào rồi, lương bèo vẫn “lấy lại vốn” và làm ra lãi, nếu biết tận dụng môi trường chức quyền, “buôn có bạn bán có phường”…

Vụ “thảo thư cám ơn mất 29 ngày” này thêm một lần thúc bách làm cái gì đó để bộ máy trong sạch, vững mạnh, giỏi nghề, làm ra làm… Chí ít, quy luật cạnh tranh, đào thải cần khởi động.

Một quan chức than: “Dưới” trình lên nhiều khi không chấp nhận được. Sửa còn mệt hơn, bận cũng phải tự làm hết cho nhanh.

Sao không thuê “bên ngoài”, các công ty dịch vụ phi chính phủ, chuyên nghiệp, giỏi nghề, làm những việc hành chính “vặt vãnh”, không mật? Cơ quan chỉ cần “ra đầu bài” và nghiệm thu kết quả.

Các nước APEC đang thúc đẩy mô hình PPP (Public - Private Partner), kiểu “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, cho phép tư nhân cùng tham gia các dịch vụ.

Có thể áp dụng cả vào công việc hành chính? Cũng là một cách tinh giản biên chế, chấn chỉnh bộ máy, tập trung, phân cấp công việc nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng công việc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét