Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

Tiêu chuẩn mới: Chọn lấy người “dễ bỏ”…

Dạo này sao lắm bà nổi cơn đốt chồng, đốt chết tươi. Cái “mốt” xử chồng kiểu đốt có lẽ nổi lên từ vụ bà Liễu ở Long An đốt sống ông chồng nhà báo.

Đầu năm mới này, hôm mồng 2, cái bà Lệ, ở Bình Dương, lại nổi đoá đốt ông chồng tên Thông, Lằng nhằng khai đi, rồi lại khai lại, “vì anh Thông có bồ".

Trước đó, chuyện lại là bà làm ăn thế nào nợ đầm đìa, phải bán nhà, chia tay…Nhà sắp giao, cãi vã. Cả năm trước đồn tận thế chả sao, đúng tối đầu năm “tận thế” đến nhà bà thật, chỉ tốn 30.000 đồng tiền xăng. Nửa đêm, đổ xăng lên nệm chồng đang ngủ, nổi lửa.

Dã man, những vụ đốt chồng có cái chung: Nợ nần, cãi vã, bài bạc, bán nhà, bồ bịch… Nhiều chuyện khác chồng giết vợ, cũng đủ kiểu kinh hoàng, cũng đủ cớ vớ vẩn. Còn chuyện bạo hành gia đình, đánh vợ như két chả hiếm.

Số, lấy nhau đã đời rồi bỗng nhận ra không hạp, không sống chung được. Không được thì thôi, mắc mới gì phải giết, lại giết kiểu kinh hoàng. Sao không chia tay văn minh, lại bí mật bất ngờ dùng bạo lực tức tưởi? Thế mới là chuyện hồi sau mới rõ.

Hồi trước, một gái sắp lấy chồng gấp, mủm mỉm khai lý do: Lấy gấp vì ông có thể bỏ được! Chưa lấy đã tính bỏ là sao? Tiêu chuẩn lựa chọn có cả tá, nhưng trong đó có một “gạch đầu dòng” rất quan trọng: Nếu hết tình nghĩa có thể chia tay vui vẻ.

Nào ai lường được cái gì sẽ đến. Nếu không còn sống chung được, sẽ vui vẻ làm người dưng nước lã… nhưng nhất định không thành kẻ thù, hầm hè hại nhau.

Không chịu nổi, cứ cho là một bên có tội. Thí dụ, gã bị bắt quả tang trai trên gái dưới, hay ả bài bạc nợ ngút đầu, sểnh ra tha của chung về làm của riêng… thì chia tay cho nhẹ nhàng, “văn minh như thể văn minh”.

Rỉa rói, đào lên lộn xuống, trì chiết, móc nhiếc… chỉ thêm khổ cái thân, già thêm người.

Bài cần học lúc ván chưa đóng thuyền: chọn lấy người “dễ bỏ”. Chẳng may mai mốt, một khi tàu đã cạn, máng đã ráo, chỉ cần nhỏ nhẻ “hay là mình chia tay” là được OK liền, chỉ cần làm tiếp các thủ tục...

Nhiều chị số sướng, gặp toàn anh biết điều, bỏ dăm lần vẫn vui như Tết. Một anh vừa bỏ bà hai, sắp lấy bà ba, khề khề khai: Đàn ông thế, quyết liệt, lấy cũng lấy cho bằng được, nhưng khi cần bỏ cũng quyết bỏ cho bằng được. Chỉ khác không cần đánh, dù bằng đoá hồng.

Một đôi vừa làm “đám cưới ngược”, cũng thiệp mời, vài mâm khách sạn, đon đả đón khách, cười nói tươi vui và long trong tuyên bố lý do… chia tay. “Khổ chủ” bảo lúc cưới có mời, lúc chia tay cũng mời cho rõ ràng.

Thủ tục buổi lễ vui phết: rình giấy, công bố, cụng ly, trao nụ hôn cuối… cả nhận lời chúc tụng may mắn trong tương lai.

Mấy vụ êm đẹp ấy, hỏi ra, toàn dân có học. Cứ bảo tại sao ra sức khuyến học. Học thành “tông”. Nhà có “tông”, chí ít chưa ai ra tay đốt chồng để hưởng hậu hoạ.

Có học, không nhất thiết giỏi toán, lý, hoá…không phải trường nọ, bằng kia. Có học thế cũng chưa đủ, đến nhà thày cô học thêm cũng không được dạy.

Làm gì có môn nào, ai dạy: một tiêu chuẩn chọn vợ, chọn chồng là lấy người có thể bỏ (khi cần). Ai cũng trở nên “khôn” thế, sẽ chẳng ai dại đâm đầu làm liều, hút sách, nợ nần, bài bạc, tối mắt bồ bịch… Các “tế bào xã hội” tự dưng trở nên “văn minh như thể văn minh”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét