Vi hành xuống cơ sở, quan chức thường phấn khởi
“nhiệt liệt biểu dương”, “vui lòng nhận thấy”… nhưng tội nghiệp bà Bộ
trưởng Y tế Tiến lại cứ thấy man mác buồn. Buồn thì nhiều người
buồn lâu rồi, còn nỗi buồn của bà Tiến, hẳn buồn vì mang bệnh… bất
lực.
Nỗi buồn của bà Tiến có vẻ mênh mang hơn khi mỗi
lần bà đi nước ngoài về. Có dịp cọ sát, so sánh mới thấy ngành y
mình cũng còn lâu lâu mới có thể sánh vai cùng cường quốc năm châu.
Chả so đâu xa cho cực, bệnh viện mấy nước quanh ta đã
xanh sạch đẹp, tận tình chu đáo, chuyên tâm và chuyên nghiệp. Còn ta
tình trạng lê la, chung chạ, sểnh ra là phải phong bì, không thì… hãy
đợi đấy.
Chả cần tầm cao như bà bộ trưởng, lè tè như dân
quần đã buồn như chấu cắn mỗi khi vào viện. Cứ bảo tại sao người
có điều kiện, cả trong ngành, đụng chuyện là ra nước ngoài khám
chữa, làm uy tín ngành bay đi ít nhiều.
Nguyên nhân, được chỉ ra là “phụ thuộc rất nhiều vào các
đồng chí lãnh đạo bệnh viện, do cơ chế tài chính, cơ sở hạ tầng, quản lý chưa
hiệu quả”. Nguyên nhân của nguyên nhân này là gì? Lùng nhùng lắm, nói
hết thì phải thêm hội thảo, nghiên cứu cho thấu đáo…
Một chuyện ghi ở bệnh viện: Người mới vào được ma
cũ chỉ cho mà biết “bác sĩ đến kìa, ra chào bác sĩ đi”. Ma mới
nhanh nhảu chạy ra, cúi đầu lễ phép “Em chào bác sĩ ạ”. Bác sĩ về,
ma cũ chửi ma mới “chào thế thôi à, ngu thế, thế thì còn khướt con
ạ”.
“Thế thì phải chào thế nào?”, ma mới hỏi lại. “Lời
chào phải thay mâm cỗ, nhé. Không chào đố mày làm nên”…
Các “ma” trong bệnh viên tận tình giúp nhau thế, còn
bác Bộ không trực tiếp khám chữa, ra Quốc hội cứ xui dại: “nhân dân
không đưa tiền, quà cho bác sĩ…”.
Một vài con sâu làm rầu nồi canh... làm rầu người đi khám
bệnh như hành xác. Bắt sâu bằng cách sẽ dấy lên một chiến dịch, sẽ làm chỉ
thị, thông tư, đề tài nghiên cứu, sẽ làm chiến dịch quyết liệt… ra “Chương
trình hành động Quốc gia, khắt khe “chấm điểm” bệnh viện…
Tạo hình ảnh mới về bệnh viện ai cũng mừng. Trách
nhiệm chính, như được chỉ ra, là do các bệnh viện có quan tâm hay không.
Bệnh viện thì kêu thiếu, khó đủ thứ, bị bó…mới tăng tý viện phí
thôi đã ồn, đòi chất lượng khám chữa phải tương xứng ngay với đồng
tiền bát gạo…
Ngành y sắp ra các biện pháp kiểm tra, thúc đẩy,
nâng cao đạo đức, tay nghề, thi đua, xếp hạng… Nỗ lực thế là cần, là
phải, là mừng. Bệnh viện công phải gương mẫu phục vụ công.
Thời nay còn nhiều hình thức bệnh viện quốc tế,
bệnh viện tư, trại điều dưỡng… Dịch vụ tốt hơn, nhưng chỉ là dịch
vụ và có giá của nó, không phải ai cũng vào được. Chữa bệnh, dân
vẫn nghĩ bác sĩ bênh viện công có tay nghề tốt hơn, dù dịch vụ kém.
Thử nghĩ về sự tách bạch rõ hơn: bệnh viện chỉ
khám chữa, nhà điều dưỡng làm dịch vụ y tế. Vừa đúng chức năng,
vừa giảm tải, vừa phù hợp với túi tiền, đáp ứng các yêu cầu mức
dịch vụ…
Thời Pháp thuộc, nghe nói có Nhà thương bố thí,
chữa cho người nghèo. Nó như nơi điều dưỡng miễn phí. Thời nay có
nhiều tổ chức xã hội, tôn giáo, từ thiện cũng mở kiểu điều dưỡng
này.
Mỗi loại hình có một thế mạnh, liệu có thể kết
hợp, như một thời kỳ quá độ, một cách tu dưỡng, học hỏi lẫn nhau.
Thí dụ, cho mở hình thức Nhà thương bố thí, nhưng
có các bác sĩ ở bệnh viện công thay phiên nhau luân chuyển làm việc,
lãnh đạo chuyên môn. Các việc khác về y tá, hộ lý, điều dưỡng, chăm
sóc… do các tổ chức xã hội, từ thiện, tôn giáo đảm nhiệm. Tinh thần
là từ thiện, không phong bao phong bì…
Bệnh viện, nhất là bệnh viên công, sẽ chỉ khám chữa
chuyên sâu, với giá bù đắp được chi phí, với các tiêu chuẩn dịch vụ
rõ ràng, ở mức thấp hơn các bệnh viện quốc tế.
Tách bạch rõ, tiêu chuẩn hoá cho đúng đẳng cấp sẽ
tạo “thương hiệu”, hình ảnh riêng, không nhập nhèm, không gây hiểu lầm
trong dư luận. Nạn phong bì, đạo đức ngành sẽ tự chuyển biến, tạo đột
phá về hình ảnh bác sĩ và bệnh viện.
Đó cũng là cách tạo môi trường tốt để chú tâm nâng
cao chất lượng khám chữa bệnh, nâng cao tay nghề, trách nhiệm…
Mục tiêu cao hơn, có thể là và tại sao không, trở
thành một cường quốc y tế, không chỉ chăm sóc sức khoẻ cho dân ta, mà
trở thành một trung tâm dịch vụ y tế của khu vực cũng như trên thế
giới.
Làm cho dân giàu nước mạnh, trong nhiều cách hiện
đại hoá công nông nghiệp, có cả những ngành tưởng như “đời thường”
như giáo dục, y tế, du lịch, ẩm thực… như một “kinh tế ngách”, miễn
là vươn tới tầm đáp ứng được nhu cầu con người.
Buồn cùng bộ trưởng về viện trạng lúc này và hé một
ước mơ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét