Nghề lâu đời nhất của loài người nơi kia vẫn là nghề, chỗ nọ
không, ở ta vừa nới một tý nhưng: “Chưa thể để mại dâm thành một nghề”.
Luật đã có “thay đổi lớn về quan điểm”, theo đó sẽ thả tất,
gần 900 gái bán hoa, từ các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội...
Không bắt nữa, chỉ phạt tiền theo Luật xử phạt hành chính vừa
được Quốc hội thông qua. Người bảo đó là “bước lùi”, kẻ bảo có chút tiến bộ và
nhân bản, hội nhập giống người.
Trên một báo mạng, thông tin này tung ra, 3 giờ sau có 5/6 ý
kiến urng hộ coi tệ nạn này là một nghề hẳn hoi, vì nhiều cái lợi. Chỉ có một ý
kiến bảo lợi thì có lợi, nhưng…
Phần lớn các nước coi mại dâm là một nghề, như một công
nghiệp không khói, một dịch vụ cộng thêm. Nó được quốc tế hóa, không biên giới,
vẫn sống khỏe qua mọi khủng hoảng, hiện hữu cả ở chế độ ưu việt lẫn đang giãy
chết.
Phàm là cái gì có sức sống đến trăm năm đã khó diệt, huống
hồ thành “làng nghề”cả nghìn năm, đeo đẳng song hành với đời sống loài người,
lúc giúp, lúc phá, lúc lẳng lơ…
Mỗi dịp lễ tết thả tội phạm, dân chúng truyền tai nỗi ngại
ngùng. Lần này thả gái mại dâm, có vẻ không ngại như phạm hình sự, dù các bà
tăng lườm nguýt các ông quen la đà tăng nọ tăng kia.
Cứ theo thống kê cả nước có 803 gái mại dâm “trúng tuyển”
vào các trường “phục hồi nhân phẩm”. “Tỷ lệ chọi” hơi bị cao. 90% đồng nghiệp
của họ không được đến trường này, mất quyền lợi học tập, chăm sóc, vẫn phải tự
bươn chải hành nghề đầu vườn, xó tối…
Các lực lượng chức năng cũng chỉ quản lý hồ sơ 5-6% số lang
thang cơ nhỡ này. Ngay tính cả thế, vẫn chỉ chiếm 2-3% số người bị nghi có hành
vi bán chác.
Túm lại, chả ai đếm được chính xác, chỉ biết đông. Thế nên,
vào một dúm, rồi “ra trường” một nhúm cũng chả xi-nhê gì, quấy quả thêm mấy thị
trường, lôi kéo thêm khách… Tệ nạn này vì thế hẳn vẫn tệ như y.
Xã hội, về toàn cục, mới có lý do ngại. Thoáng hơn cho công
nhân tình dục, nhưng với các thế lực quản lý, điều hành, bảo kê hầu như chả
động đến, ngoài lời quyết tâm chung "Phải duy trì biện pháp mạnh để mại dâm
không thể bùng nổ”, chưa rõ biện pháp gì.
Cái rõ: phát động phong trào tuyên truyền, kìm hãm người bán
dâm mới, cung cấp kiến thức phòng chống bệnh, tiếp cận đối tượng có nguy cơ cao
bị khủng hoảng gia đình, kinh tế khó khăn, kiểm soát các cơ sở dịch vụ và thay
đổi bổ sung chính sách pháp luật về phòng chống mại dâm…
Nghe vẫn quen quen, phong trào được dấy lên nhiều mà xìu
xuống cũng lắm rồi, nay còn không thêm chữ “sâu rộng” cho nó mơi mới.
Tinh thần chung được nhấn mạnh vẫn là phòng với chống, chưa sống
chung với lũ. Nhiều năm ngâm cứu, các chuyên gia bỗng kết luận: chưa thể áp
dụng gì và sáng tạo gì trong điều kiện cụ thể ở ta.
Tiến thẳng lên xã hội công nghiệp hóa không kinh qua các tệ
nạn như mại dâm… đòi hỏi nỗ lực rất lớn, với nhiều khó khăn đối với các lực
lượng chức năng. Hoàn thành nhiệm vụ có thể vang trong các báo cáo, nhiều khi
còn xuất sắc.
Không ít ý kiến bàn về tác dụng giảm tội phạm, nhất là tội
hiếp dâm, lạm dụng trẻ, dẹp xã hội đen, thu hút du lịch, hội nhập… cứ như hội
thảo về nhân văn.
Lại thêm, chưa là nghề, công nhân hành nghề dù có ý thức cao
cũng chưa có quyền lợi nộp thuế, trong khi không tránh được nghĩa vụ trước xã
hội đen, trách nhiệm trước khách hàng.
Doanh nghiệp nhà nước bỏ trống trận địa, chưa nói đến vai
trò chủ đạo, chưa có điều kiện lo cho người lao động về thuế, bảo hiểm, sức
khỏe, hưu…
Sự thay đổi về mặt pháp lý mở ra góc nhìn mới, từng bước bớt
ánh nhìn đểu con nọ thằng kia, nhăm nhăm cải tạo, phục hồi, làm sạch từ trong ra
ngoài, để ngày mai gương vỡ bỗng lại lành.
Như cái bánh trôi, ngụp lặn theo dòng đời, không nghề ngỗng,
không công đoàn, các Kiều này mỗi ngày vẫn tần tảo né công an, nộp bảo kê để mong
được hành thân xác. Phận Kiều đã lỡ lên cầu, gió bay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét