Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

Bà ba, một tưởng tượng từ thường phục lên lễ phục, quốc phục?

Quốc phục cần chọn, nhiều lần bàn và Bộ VH-TT&DL hạ quyết tâm: “Sẽ làm triệt để để tìm ra bộ quốc phục Việt Nam”, phát động cuộc thi thiết kế và trình Quốc hội.

Chưa được, vì chưa có tiêu chí, lộ trình rõ ràng, ai cũng có thể tưởng tượng theo cảm nhận riêng.

Với nữ thì dễ, áo dài là chắc, cả thường phục, lễ phục, quốc phục. Khó là khó ở phái nam.


Khăn đóng áo dài làm lễ phục cũng được, quốc phục cũng được, nhưng khó làm thường phục. Dân không mặc thường xuyên không phải vì không tự hào dân tộc, mà vì không phù hợp công việc.


Quốc phục khái quát hoá từ đời thường, mang nét đặc thù trang phục địa phương hợp với cuộc sống, thiên nhiên, môi trường.


Có một loại, từ Bắc chí Nam đều dùng: bộ cánh ta, bà ba. Cổ tròn, cúc cài, thụng thoáng, túi hai bên, tươm tất mà kín đáo, Nón, mũ, guốc dép, tiện gì choàng nấy, chả câu nệ, rõ là dân Việt nước Nam, chả lẫn với ai.


Lễ phục, chỉ cần cách tân, tôn nó lên long trọng bằng chất liệu, độ cứng cáp, mầu sắc, các chi tiết… vẫn giữ nét riêng mà tạo thành quốc phục.

Còm-lê cà-vạt kiểu Tây, đóng hộp Tôn Trung Sơn kiểu Tàu, làm lễ phục ngúc ngắc tiếp khách trong nóng nực, thôi thì cũng được, nhưng hẳn không phải quốc phục, không mang nét riêng dân tộc.



Nhiều lãnh đạo thời máy lạnh chưa phổ biến, vẫn mặc áo cộc tay, thường mầu trắng, rộng, một túi ngực, hai túi tay… vừa tiếp khách, thăm dân, vừa làm việc thường ngày.


Trên tivi có thể thấy, lãnh đạo Myanmar tiếp khách trong bộ đồ quốc phục rất dân dã, thông thoáng, lộ chân đi dép xỏ ngón. Nhật Bản, Hàn Quốc từng kêu gọi công chức bỏ còm-lê, mặc thoáng đi làm mùa hè để tiết kiệm điện. Nhiều cuộc họp long trọng vẫn mặc quần sooc…

Đàn ông, ở Scotland vẫn tự hào mặc váy, ở Nhật vẫn coi "kimono montsuki" mạnh mẽ, ở Indonesia hay Hawaii mặc áo "batik", áo “chim cò” sặc sỡ như biểu tượng quốc phục.

Ở ta, bộ cánh ta, bà ba là thường phục rộng rãi, phù hợp với thiên nhiên, môi trường, công việc, phong cách số đông. Nó tiện làm thường phục của dân. Lễ phục, quốc phục có thể dựa trên nền tảng này để phát triển thêm?

Trong lúc chờ xây dựng tiêu chí và lộ trình chọn lễ phục, quốc phục, cứ lạm nghĩ, lạm tưởng tượng “thí điểm”: Một quan chức tiếp khách nước ngoài, đĩnh đạc trong bộ bà ba, nâu sồng, nâu vàng, bằng len dạ hay đũi, tơ tằm, với các chi tiết, phụ kiện tôn đường nét cứng cáp, nghiêm trang…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét