Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

Cái gì máy làm được, để máy làm


Máy thay sức người. Chuyện đơn giản từ thời bắt đầu có máy cày thay trâu, nay vẫn được “nêu vấn đề”. Khó chứ chả giỡn.

Có máy tính, điện thoại rồi đấy, thi gõ, bấm nhanh cũng đã có ở tầm thế giới, thế thì viết chữ đẹp với thi chữ đẹp để làm gì cho mất thời gian lại gây rối?

Cái gì máy làm được thì để máy làm, người thông minh hơn mọi vật, dành trí khôn làm chuyện khác.

Con tính lớn người lo và chỉ người lo được. Ba cái con tính cộng trừ nhân chia, chỉ cần cái máy bằng bàn tay, nhoáy cái xong, mắc mớ chi phải vận cả óc lẫn tay, chẳng đáng lại mệt xác.


Nhưng không được, vào phòng thi cấm mang máy. Thi mà, đi tay không, vận nội công tự làm tất…

Luyện chữ luyện người, như luyện võ công… Nuột nà thành tài, rồi mấy ai tìm được chân tô vẽ tên lên các loại bằng, giấy khen, chữ đẹp hương đồng gió nội rồi cũng bay đi ít nhiều.

Gõ, còng cọc, cành cạch cả đời thôi, thi thoảng ký tá, mai mốt chỉ cần điểm chỉ theo công nghệ cao, vân tay mới là chắc cú. Dân sống bám vào công nghệ máy tính như Âu- Mỹ, mỗi lần cầm bút lọng ngọng, khỏi cần xem chữ như gà bới và ký như giun dế…

Học sinh bây giờ nặng vai, vác đủ thứ chương trình, thi đua luyện chữ, viết như vẽ. Chẳng được dạy viết tắt, viết nhanh… những ký hiệu để truyền thông tin, vào đời tự lo, tự sáng tạo, học bạn cho nó chóng… tày.


Chữ Việt dùng ký tự La tinh bắt đầu khởi sự từ thế kỷ 16-17, đến năm 1915, chữ quốc ngữ thay chữ Hán. Người Việt đang “vẽ” chữ Hán, Nôm, chuyển sang vừa viết chữ (la tinh) và chỉ còn phải vẽ thêm dăm cái râu, dấu.

Thời @ bây giờ tiếng Việt cũng được đặt chương trình cho máy viết tuốt, chữ nuột đẹp như máy. Máy làm được rồi, viết để máy, thi chữ đẹp và sáng tạo là thi thư pháp thôi.

Khi viết bằng tay, viết sao cho đúng, đủ dấu, đủ nhận ra chữ để truyền được thông tin là đủ. Luyện chữ đẹp là việc của từng cá nhân. Cải cách chữ viết mới là chuyện cần chung lưng đấu cật.

Mấy thế kỷ qua, vẫn cải tiến, nhưng chữ viết tiếng Việt vẫn có những bất cập. Chữ viết là công cụ để truyền tiếng nói, truyền ngôn ngữ, thông tin và vì vậy truyền sao cho dễ hiểu đúng, nhanh gọn.

Ngôn ngữ @ của giới teen ở nhiều nước đang nở rộ báo hiệu hiện tượng gì? Đơn giản là chảnh, “thể hiện” hay là nhu cầu truyền tin mới?

Chả giống ngôn ngữ nào, sai bét chính tả, luật mẹo, lại kệch cỡm, ngông nghênh… khỏi nói đến các tiêu chuẩn đúng đủ đẹp …

Nhưng nếu mai mốt cả xã hội hiểu và dùng các ám hiệu ấy cho nhanh, các “chữ chung” chả cần đẹp đẽ này bỗng dưng “nhảy tót sỗ sàng” vào đời sống thì sao?

Thi viết chữ đẹp lúc này như nhiều cụ bảo có thể vẫn cần. Không viết tay nhiều, chữ đẹp máy làm được, để máy làm.

Và nghĩ cách cải tiến chữ Việt như một phương tiện truyền thông tiện lợi cho tương lai, ngắn gọn, đa âm, không dấu, để gõ kịp với thời đại, hơn là bò ra viết, vẽ thời bắt đầu nghe âm vẽ chữ…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét